Không dừng lại ở việc ủy thác như trước, các quỹ do cá nhân thành lập cũng phát hành chứng chỉ quỹ, cập nhật NAV, giá chứng chỉ quỹ thường xuyên trên website và NĐT thực hiện góp vốn thông qua mua chứng chỉ quỹ.
Trên thị trường tài chính có nhiều loại quỹ đầu tư: quỹ công chúng, quỹ thành viên; quỹ đóng, quỹ mở; quỹ đầu tư dạng công ty, quỹ đầu tư dạng hợp đồng… Đây là những loại hình quỹ đầu tư được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động và đã trở nên khá quen thuộc với những người tham gia thị trường. Nhưng bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay còn có một loại hình “quỹ” đầu tư do các cá nhân lập nên.
Quỹ đầu tư cá nhân là gì?
Người ta không còn lạ gì hình thức ủy thác đầu tư chứng khoán qua một cá nhân, tức là người có vốn nhàn rỗi ủy thác cho một người khác sử dụng nguồn vốn này để đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tỷ lệ chia lời, chịu lỗ do 2 bên thỏa thuận. Việc thỏa thuận có thể chỉ là nói miệng với nhau, cẩn thận hơn thì có hợp đồng viết tay.
Với sự phát triển của thị trường, những hoạt động ủy thác “dân sự” như vậy cũng ngày một trở nên chuyên nghiệp hơn.
Vài tháng trở lại đây, một số người cho biết họ nhận được nhiều lời mời góp vốn vào một loại quỹ do cá nhân đứng ra thành lập. Không dừng lại ở việc ủy thác đơn giản như trên, quỹ này hoạt động theo mô hình quỹ mở, cũng phát hành chứng chỉ quỹ (CCQ), cập nhật NAV và giá CCQ thường xuyên trên website. Người đứng đầu quỹ được gọi là “Chủ tịch quỹ” hay “quản lý quỹ”, những người tham gia góp vốn được gọi là “cổ đông”, “nhà đầu tư” và những cổ đông này thực hiện góp vốn thông qua mua CCQ. Bên cạnh đó, giữa 2 bên có một hợp đồng mang tên “hợp tác kinh doanh”.
Một quỹ cá nhân cập nhật giá chứng chỉ quỹ (Nguồn: Internet)
Theo điều lệ đăng trên website có tên Tr*** Fund của một quỹ cá nhân khá nổi do một chuyên viên quản lý quỹ tại Công ty quản lý quỹ T.P thành lập , Chủ tịch quỹ là người chịu trách nhiệm và có toàn quyền quyết định việc đầu tư chứng khoán, quyết định danh mục cổ phiếu theo tư tưởng chiến lược đầu tư của quỹ. Chủ tịch quỹ có quyền tối cao: trả tiền và chấm dứt tư cách cổ đông với bất cứ cổ đông nào, được quyền thay đổi điều lệ quỹ.
Về phía cổ đông, họ được quyền yêu cầu Chủ tịch quỹ giải trình các vấn đề nghi ngờ, thắc mắc về hoạt động quỹ; Được quyền yêu cầu Chủ tịch quỹ cung cấp user/pwd của tài khoản chứng khoán của quỹ để kiểm tra.
Chia lợi nhuận
Với loại hình đầu tư này, cổ đông thu hồi vốn, hiện thực lợi nhuận bằng cách bán lại CCQ cho quỹ. Theo điều lệ của quỹ Tr*** Fund nói trên, khi muốn bán CCQ, cổ đông thông báo bán với Chủ tịch. Chủ tịch sẽ tính toán số lượng chứng khoán phải bán và thực hiện bán để lấy tiền trả cho cổ đông. Việc trả tiền cho cổ đông được thực hiện trong vòng tối đa 3 ngày (số ngày để tiền bán chứng khoán về tài khoản) kể từ ngày cổ đông thông báo bán CCQ.
Do là quỹ do cá nhân thành lập nên quy định về phí và lãi khá đa dạng, tùy thuộc mối quan hệ giữ người quản lý và nhà đầu tư góp vốn.
Có quỹ không thu phí quản lý tài sản, chỉ thu phí thực hiện với mức phí là 20% số tiền lãi trong năm được thu vào thời điểm kết thúc năm, khi cổ đông bán hết CCQ và tuyên bố chấm dứt quan hệ cổ đông. Nếu số tiền của cổ đông thấp hơn số tiền phí dự tính. Chủ tịch quỹ sẽ yêu cầu cổ đông nộp thêm tối thiểu 20% số tiền hiện tại để tiếp tục duy trì tư cách cổ đông…
Một quỹ có tên K*** Fundraising đang đi chào mời với mức lợi suất tối thiểu mà Người quản lý quỹ (NQLQ) cam kết trả cho nhà đầu tư khi tham gia đủ 12 tháng là 5%, và 7% là lợi suất tối thiểu NQLQ cần đạt được để được chia lợi nhuận.
Nếu lợi suất thực tế của danh mục đầu tư lớn hơn 7% thì NĐT sẽ được nhận 60% phần lợi nhuận vượt, còn người quản lý quỹ nhận được 40%.
Quỹ có tên C*** Holdings còn đưa ra 2 gói lựa chọn cho NĐT. Gói 1, nếu lãi, cổ đông và NQLQ chia tỷ lệ 50:50; nếu lỗ, NQLQ chịu hoàn toàn. Gói 2, nếu lãi, cổ đông và NQLQ chia tỷ lệ 70:30; nếu lãi, tỷ lệ cổ đông và NQLQ là 30:70.
Thiên thời địa lợi để lập quỹ
Không phải cho đến bây giờ loại hình "quỹ đầu tư" do cá nhân thành lập mới xuất hiện. Một số người đã nhanh nhạy thành lập quỹ từ vài năm trước. Khởi nguồn bằng nhận ủy thác từ người thân trong gia đình, bạn bè hay khách hàng quen thuộc, sau một thời gian đầu tư hiệu quả gây dựng được tiếng tăm, “quỹ” thu hút được nhiều cổ đông hơn và mở rộng quy mô. Theo chia sẻ của người trong nghề, quy mô vốn của một số quỹ từ vài tỷ tới vài chục tỷ, thậm chí còn hơn.
Trong năm 2014, loại hình quỹ do cá nhân thành lập bắt đầu nở rộ.
Thứ nhất là do thị trường chứng khoán năm 2014 quá hấp dẫn. Trong khi lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt thì chứng khoán đã tăng 2 đợt từ cuối năm 2013 đến tháng 4/2014 và đợt từ 13/05 đến đầu tháng 09 với mức tăng không hề nhỏ. Những người có vốn nhàn rỗi, muốn kiếm tiền khó mà đứng ngoài được. Nhưng không phải ai cũng biết cách đầu tư.
Thứ hai, sau 14 năm phát triển, những người bám thị trường chứng khoán đã trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Không chỉ những người trong nghề như môi giới, chuyên viên phân tích, tư vấn đầu tư… mà kể cả những nhà đầu tư cá nhân cũng đã tích lũy kinh nghiệm, có phương pháp, chiến lược đầu tư rõ ràng và biết tuân thủ kỷ luật. Điều này thể hiện qua con số lời lãi của danh mục, chứng minh hiệu quả đầu tư của họ.
Với những yếu tố thuận lợi như vậy, càng lúc càng có nhiều người tự tin về cách chơi của mình và muốn mở rộng tiềm lực tài chính để kiếm nhiều tiền hơn. Họ đã quyết định đứng ra lập quỹ cá nhân nói trên.
Việc các quỹ cá nhân nở rộ cho thấy sự nhạy bén của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là loại hình không được pháp luật thừa nhận và chứa đựng đầy rủi ro…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét