Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Trở thành triệu phú ở tuổi 27 vì tiết kiệm và chăm đọc sách

Anton Ivanov tạo nên khối tài sản triệu đô bằng cách rất cổ điển: chăm đọc sách, biết tiết kiệm sớm và thường xuyên, sau đó đầu tư cổ phiếu và bất động sản. 

Anton Ivanov, 27 tuổi và không phải là một mẫu triệu phú điển hình ở Mỹ. Anh chẳng được thừa kế tài sản của gia đình, cũng không được làm việc ở Thung lũng Silicon. Nhưng Anton Ivanov vẫn trở thành triệu phú sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá hàng triệu đô.
Ivanov đã chia sẻ những kinh nghiệm trên con đường trở thành triệu phú trên trang blog của mình, Financessful.com. Không phải là những kiến thức hay kinh nghiệm quá xa vời, Ivanov tạo nên khối tài sản triệu đô bằng cách rất cổ điển: chăm đọc sách, biết tiết kiệm sớm và thường xuyên, sau đó đầu tư cổ phiếu và bất động sản. 
Anton Ivanov, tỷ phú, tiết kiệm, 27 tuổi
Anton Ivanov trở thành triệu phú ở tuổi 27 vì biết cách tiết kiệm và lên kế hoạch chi tiêu - điều mà nhiều bạn trẻ ngày nay khó có thể thực hiện được.
"Tôi chính là minh chứng cho chân lý “nếu muốn điều gì đó và luôn cố gắng phấn đấu thực hiện, sớm muộn bạn cũng có thể ”chạm tay’ vào nó”. Chính thói quen và nguyên tắc đã giúp tôi giàu có". - Anton Ivanov chia sẻ trên Yahoo Finance.
Và đây là câu chuyện thành công của triệu phú 27 tuổi:
Bắt đầu từ khi còn trẻ
10 năm trước, Ivanov cũng như bất kỳ cậu thiếu niên nào ở Mỹ - đi học phổ thông và có một công viêc làm thêm với mức lương khá tại một bến tàu điện ngầm. Cha mẹ di cư từ Nga sang Mỹ từ năm 2002. Cuộc sống của họ cũng như bao gia đình trung lưu khác ở ngoại ô San Diego.
Nhưng Ivanov đã sớm nhận ra những gia đình hàng xóm cạnh nhà anh có vẻ giàu hơn nhà anh rất nhiều. Cha mẹ anh đều chi tiêu rất phóng tay và không có lòng tin vào những dịch vụ tài chính. Ivanov không đổ lỗi cho họ, vì cả hai di cư đến Mỹ chỉ vài năm sau khi trải qua một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất nước Nga. Nhưng lúc đó, anh đã cảm thấy mình sẽ phải làm điều gì đó.
"Ở trường, chúng tôi không được dạy nhiều về kinh doanh tài chính. Cha mẹ không nói chuyện tiền bạc với tôi. Nên khi đó, tôi phải tự tìm hiểu những điều mà tôi muốn biết.", Ivanov cho biết.
Anh có niềm đam mê với những quyển sách dạy làm giàu. Cuốn sách yêu thích của anh lúc đó là "Cách nghĩ để thành công" xuất bản năm 1937 của Napoleon Hill, với các chiến lược chi tiết giúp người đọc vượt qua những chướng ngại tâm lý khi làm giàu.
"Cuốn sách này rất có ảnh hưởng đối với tôi. Đây không phải là cuốn sách dạy cách kiếm được thật nhiều tiền, nó giúp người đọc có được tầm nhìn và xây dựng tâm lý vững vàng để có thể đạt được bất kỳ điều gì tôi muốn". Vì thế, ở tuổi 16, Ivanov đã đặt mục tiêu: Phải trở thành triệu phú.
Đại học hay học nghề?
Anton đã mở một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng địa phương và gửi toàn bộ lương 3 năm làm thêm vào đó. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã sở hữu tài khoản 10.000 đô.
Với số tiền này, Ivanov đã có thể chi trả học phí đại học, nhưng anh biết từng đó vẫn chưa đủ. "Bố mẹ không có tiền cho tôi học đại học. Tôi biết mình sẽ phải vay tiền nếu học thẳng lên đại học, nhưng ‘vay mượn’ là điều tôi rất kiêng kị", anh nói.
Vì thế, khi bạn bè “tung tăng” vào đại học, Ivanov lại đi làm vài công việc hành chính gần nhà. Năm 20 tuổi, anh đăng ký nhập ngũ vào Hải quân Mỹ và kiếm được 55.000 đô mỗi năm nhờ làm kỹ thuật viên điện tử trong quân đội.
Ivanov cũng đăng ký học từ xa để lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin - lập trình. Dĩ nhiên, khóa học của anh là do Chính phủ chi trả. "Khi so sánh giữa việc đi học và vào quân đội, lựa chọn thứ 2 có vẻ sáng suốt hơn. Do tôi sẽ kiếm được tiền ngay thay vì chờ đến khi tốt nghiệp. Tôi cũng có thể đi học miễn phí nữa", anh nói.
Anton Ivanov, tỷ phú, tiết kiệm, 27 tuổi
Bảng kế hoạch cân đối thu - chi chi tiết của Anton Ivanov.
Nhà đầu tư “lười biếng”
Bên cạnh đó, Ivanov còn mở một tài khoản chứng khoán để “tập” đầu tư. Anh biết mình không có năng khiếu chọn cổ phiếu. Vì thế, Ivanov chọn các quỹ đầu tư giá rẻ có danh mục bao phủ phần lớn thị trường. "Đó là cái mà tôi gọi là danh mục đầu tư lười biếng", anh nói.
Sau đó, chịu ảnh hưởng từ các cuốn sách "Triệu phú đầu tư bất động sản" và "Triệu phú nhà bên", Ivanov còn muốn đổ tiền vào bất động sản.
"Tôi tin tưởng vào việc chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan. Nếu nhận thấy cơ hội và cho rằng điều đó là đúng, bạn nên nắm lấy. Nhưng hãy hiểu rõ bạn vẫn có thể sai lầm và chuẩn bị trước hậu quả", anh cho biết.
Học cách tiết kiệm
Trong khi một người Mỹ trung bình chỉ dành ra 5% thu nhập một năm, thì Anton Ivanov luôn tự đặt cho bản thân mục tiêu tiết kiệm 60% thu nhập. Và may mắn thay, cuộc sống trong quân đội là môi trường hoàn hảo để tiết kiệm mọi thứ.
Năm 2013, Anton xuất ngũ và tiếp tục dành tiền đầu tư. Ivanov đặt mục tiêu tăng thu nhập lên đầu tiên và kiếm được việc phát triển phần mềm tại một công ty. Anh còn làm thêm trong thời gian rảnh rỗi, nâng thu nhập lên 100.000 đô mỗi năm.
Chìa khóa thành công của Ivanov chính là tiết kiệm và lên kế hoạch mọi việc trước khi chi tiêu. "Thường thì cứ đầu năm, tôi lại lên kế hoạch cho 2-5 năm tới. Tôi viết ra tất cả chi phí có thể và tính toán cần tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng để đạt mục tiêu đúng thời hạn", anh nói.
Trở thành triệu phú
Ivanov đã cán mốc 1 triệu USD tài sản vào tháng 6 năm nay, chỉ 2 tháng trước sinh nhật 27 tuổi. Anh rất vui mừng vì thành tích này, nhưng cũng chẳng ngạc nhiên. "Nếu bạn thực sự muốn điều gì đó, bạn sẽ tìm được cách vượt qua chướng ngại. Tôi đã tin vào điều đó năm 16 tuổi và đến giờ lại càng tin tưởng hơn" - anh nói.
Thu Phương(Theo Yahoo Finance)

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

6 bước làm giàu trong cuốn sách 80 tuổi

Cuốn sách xuất bản năm 1937 - "Nghĩ giàu và Làm giàu" của Napoleon Hill đã chỉ ra các bước giúp mọi người vượt qua chướng ngại tâm lý để làm giàu.

Trên thế giới đã có hàng nghìn cuốn sách nói rằng sẽ dạy bạn cách tiêu ít đi, tiết kiệm nhiều lên, đầu tư khôn ngoan, nghỉ hưu sớm, trả nợ nhanh và giải quyết tất tật vấn đề tài chính thường ngày. Nhưng có lẽ chẳng cuốn nào có thể vượt mặt "Nghĩ giàu và Làm giàu" của Napoleon Hill, xuất bản năm 1937.

Hill đã sống qua thời kỳ Đại suy thoái và là cựu cố vấn của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Ông đã phỏng vấn "hơn 500 người thành đạt mà cả nước Mỹ đều biết tới" để tìm ra bí quyết của họ. Đó là lý do cuốn sách 200 trang của ông trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại.
napoleon-hill-3241-1415498406.jpg
Napoleon Hill từng là cố vấn cho Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Ảnh:Bloomberg
Đừng hy vọng sẽ tìm thấy bất kỳ lời khuyên chọn cổ phiếu hay đánh bạc nào trong này. Dù Hill đã hỏi chuyện những doanh nhân điển hình nhất thời đó, những phát hiện của ông cũng chẳng liên quan đến bất kỳ kỹ năng khó rèn luyện nào. Toàn bộ nội dung trong cuốn sách chỉ nhằm giúp mọi người vượt qua chướng ngại tâm lý để làm giàu mà thôi.
"Mong ước sẽ chẳng giúp bạn giàu có đâu. Nhưng nếu bạn nghĩ đến nó nhiều đến mức bị ám ảnh, sau đó lên kế hoạch về các bước và công cụ cần để làm giàu, rồi kiên trì theo đuổi, bất chấp thất bại, cuối cùng bạn cũng sẽ làm được", ông viết.
Trong cuốn sách, Hill đã nêu ra 6 bước cần làm để biến việc này thành hiện thực. Đầu tiên, hãy cố định trong đầu bạn một con số mong muốn cụ thể. Chỉ đơn thuần nói "Tôi muốn có nhiều tiền" là không đủ. Hãy cho ra một số chính xác. Việc này sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề tâm lý đi kèm sự giới hạn.
Tiếp theo, hãy tính toán chi tiết những gì bạn dự định bỏ ra để đổi lấy tài sản mong muốn đó. Sẽ rất phi thực tế nếu bạn cho rằng có thể đạt được thứ gì đó mà chẳng phải hy sinh điều gì.
Thứ ba, hãy đặt thời hạn bạn dự định đạt được số tiền mong muốn. Thứ tư, lập một kế hoạch thực hiện và bắt đầu ngay lập tức, bất kể bạn sẵn sàng hay chưa.
Thứ năm, viết ra giấy tất cả những điều trên. Về số tiền bạn muốn có, thời gian đạt được, những gì cần bỏ ra và kế hoạch chi tiết bạn sẽ làm việc này như thế nào.
Cuối cùng, hãy đọc phần viết lên thành tiếng, thật to, 2 lần mỗi ngày. Một trước khi đi ngủ mỗi tối và một sau khi thức dậy buổi sáng. Khi bạn đọc, hãy nhìn, cảm nhận và tin rằng bản thân mình đã đạt được số tiền đó.
Những bước này có vẻ căn bản. Nhưng nếu bạn thực sự so sánh với bất kỳ lời khuyên tài chính nào trong các cuốn sách hiện nay, bạn sẽ thấy chúng cũng như nhau thôi.
Nếu có điểm khác, thì chính là cuốn sách của Hill nhắc nhở mọi người rằng một trong số các cách để đạt được sự giàu có đích thực là hiểu chính được cảm xúc và tâm lý đang ngăn trở chúng ta thành công. Và vì thế, công việc của bạn là phải có kế hoạch để vượt qua chúng.
"Quá trình thay đổi từ nghèo sang giàu thường phải đi kèm với nhận thức tốt và thực hiện kế hoạch cẩn thận. Nghèo chẳng cần kế hoạch nào cả và cũng chẳng cần ai phải giúp, vì nó rất liều lĩnh và nhẫn tâm. Còn sự giàu có rất ngại ngùng và nhút nhát. Nó cần được quan tâm", ông viết.
Hà Thu

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Thành công vì quyết theo đuổi đam mê nghề nghiệp

Như nhiều học sinh khác, anh Đức Hoàng ít khi suy nghĩ xem mình thích gì mà bị ám ảnh bởi vấn đề đầu ra khi chọn trường đại học... Sau 3 năm học Kiến trúc, anh quyết từ bỏ để theo đuổi đam mê và hiện đã là một thương hiệu lớn trong làng báo bóng đá.

Chia sẻ với VnExpress, anh Đức Hoàng (27 tuổi) hóm hỉnh nói: "Đến nay tôi vẫn tạm gác việc học ở trường Kiến trúc".
Anh kể, khi chọn trường ĐH, như nhiều học sinh khác, anh bị ám ảnh bởi vấn đề đầu ra, việc làm, triển vọng nghề nghiệp. Là con cháu trong gia đình có nhiều kiến trúc sư nổi tiếng ở Hải Phòng, Hoàng chọn ngành Kiến trúc để nối nghiệp gia đình và vì lý do đơn giản - không có môn Hoá mà anh ghét.
Tự hào bước vào ngôi trường rất "kén" sinh viên, nhưng ngay từ học kỳ đầu tiên, Đức Hoàng nhận ra mình không thực sự yêu môn vẽ. Những bản vẽ, môn mỹ thuật của ĐH Kiến trúc đòi hỏi sự tỉ mỉ rất lớn trong khi anh sẵn tính cẩu thả. "Tôi thường xuyên bị bêu tên là sinh viên cá biệt trong lớp, đặc biệt ở các môn đòi hỏi sự khéo léo như thể hiện sản phẩm của mình bằng hình vẽ hoặc mô hình. Ngay học kỳ đầu tôi đã sợ mình không thể qua được bất cứ môn học nào và thấy bản thân không đủ đam mê để theo đuổi ngành Kiến trúc", Đức Hoàng chia sẻ.
Kết quả học tập của anh cứ thế tụt dần, từ học lực trung bình năm thứ nhất đến nợ mấy chục trình năm thứ hai và đỉnh điểm là nợ 52 trình trong năm thứ ba ĐH.
Duc-Hoang-bao-bong-da-JPG-2385-141516271
Trước khi trở thành cây viết có tiếng trong làng báo bóng đá, Đức Hoàng đã tạm gác việc học ĐH Kiến trúc. Trong ảnh, Đức Hoàng đang có mặt tại sân Narodowy (Ba Lan) để đưa tin trận khai mạc EURO 2012. Ảnh: Bongdaplus.
Để xả stress, Đức Hoàng tìm đến sách truyện, tiểu thuyết và dần nhận ra mình yêu thích thứ ngôn từ này. Học kỳ 2 năm nhất ĐH, anh đi làm sản xuất nội dung cho một công ty truyền thông, sau đó bắt đầu viết báo. "Tôi nhận ra viết báo mới là công việc chính mà mình nên đầu tư, phát triển. Nếu cứ theo ĐH Kiến trúc, ra trường tôi sẽ thành một kỹ sư tồi với những bản vẽ mà giảng viên thương lắm mới cho điểm 5", Đức Hoàng nói.
Quyết định "gác" việc học kiến trúc và chuyển hướng sang báo chí để theo đuổi đam mê của Đức Hoàng bị gia đình phản đối kịch liệt. Tất cả mọi người đều cố gắng thuyết phục anh rằng, bằng ĐH là điều kiện tiên quyết để mưu sinh và truyền thông là ngành không có triển vọng phát triển.
"Có những giai đoạn cực kỳ căng thẳng khiến tôi không thể đối thoại được với gia đình. Mẹ tôi (người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi) đã khóc rất nhiều, mẹ thậm chí đã chạy rất nhiều nơi để đưa tôi trở lại trường. Tâm lý hai bên khi đó vô cùng quẫn bách. Tôi từng nghĩ mình phải làm điều gì đó thật quyết liệt, như một số thanh niên trên tivi chặt ngón tay, để thể hiện quyết tâm", anh nhớ lại.
Thời gian đầu anh song song vừa học Kiến trúc, vừa làm việc mình yêu thích. Nhưng sau thời gian dài cố gắng trong mệt mỏi, Hoàng rơi vào trạng thái sợ hãi khi đi tới trường, nhớ đến cảm xúc tiêu cực, sự lạnh lùng, nghiêm khắc của thầy cô, anh không thể thỏa hiệp được với gia đình nữa.
"Tạm" rời giảng đường, chỉ tập trung cho đam mê, Đức Hoàng nhanh chóng gặt hái thành công ở lĩnh vực báo chí. Hơn một năm sau anh đã thành thương hiệu trong làng viết Thể thao, với mức thu nhập trên mặt bằng chung của xã hội. Đỉnh điểm vào mùa hè năm 2008 thu nhập của anh là 30 triệu đồng/tháng.
Trước những thành công của con trai, bố mẹ Đức Hoàng tỏ ra khá lạnh nhạt và nghĩ là không bền vững. "Tôi đã rất ức chế khi chứng minh được mình với xã hội nhưng với gia đình câu chuyện vẫn là tấm bằng, ngành học danh giá chứ không phải thực tiễn mình đạt được", Hoàng kể.
Đến bây giờ, sau gần 10 năm theo đuổi đam mê, gia đình không thể phủ nhận thành tích - cây viết có tiếng trong làng báo bóng đá mà Đức Hoàng đạt được. Bản thân anh giờ đã có gia đình riêng, nhưng cũng chưa một lần hối hận hay bị ám ảnh không nuôi nổi vợ con vì bằng vẫn bị "treo".
dinh-huong-nghe-nghiep-huy-cuo-6060-7452
Nguyễn Huy Cường từ bỏ ngành Công nghệ thông tin sau một năm học ĐH để trở thành sinh viên Thiết kế đồ hoạ theo đam mê của mình. Ảnh: NVCC.
Khác với Đức Hoàng, Nguyễn Huy Cường (25 tuổi) tìm ra lĩnh vực mình yêu thích - thiết kế đồ họa từ khá sớm, nhưng cũng bị ám ảnh đầu ra. Cường chọn Công nghệ thông tin của ĐH Mở TP HCM để thi vào. Môi trường chỉ có đúng và sai, đen và trắng, với những con số, bảng lập trình, sự logic khô khan làm anh chán chường. Nhìn lại một năm ĐH buồn tẻ, Cường nhận ra chỉ có đam mê mới khiến ta làm tốt được bất cứ việc gì. Anh từ bỏ ngành học Công nghệ và chuyển sang học Thiết kế đồ họa.
Thời gian học ngành mình yêu thích, Huy Cường đạt được nhiều giải thưởng. Đáng kể nhất là giải nhất Young Lions Vietnam 2011 - cuộc thi Thiết kế đồ họa danh tiếng dành cho các nhà thiết kế trẻ. Năm đó, Cường và người bạn đồng hành trở thành đại diện của Việt Nam tham gia giải Cannes Lions. Tại đây, đội của anh đứng thứ 5/40 quốc gia tham dự, xếp hạng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, trên cả những đội mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tuy vẫn là sinh viên nhưng những nỗ lực và thành tích đạt được trong 4 năm làm Thiết kế đồ họa đã giúp Cường được đề bạt làm Giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông lớn.
Ngẫm lại việc mình và nhiều bạn trẻ khác đã chọn nghề sai, cả Huy Cường và Đức Hoàng đều cho rằng, vì mình thiếu sự định hướng và chín chắn trong quyết định. Theo Hoàng, đáng lý trường học phải là nơi giúp học sinh có hiểu biết toàn diện về xã hội, bản thân, thì từ cấp 1 đến cấp 3 học sinh bị biến thành cỗ máy học để thi. "Trong suốt hệ thống phổ thông, đã có lúc nào chương trình nói tới cái tôi của học sinh? Trường cấp 3 không cho ta có cái nhìn toàn cảnh về xã hội, đặc biệt không cho người học xác lập được cái tôi của bản thân. Việc tìm ra mình thích gì, phù với với ngành nào vốn đã rất khó, đằng này học sinh của ta sau 12 năm ngồi ghế nhà trường vẫn không biết mình là ai thì hướng nghiệp thế nào? Mọi lựa chọn của các em đều mù mờ, dựa trên hoàn cảnh gia đình, học lực của bản thân và xét đoán vu vơ của các cô cậu mười mấy tuổi đầu", Đức Hoàng nói.
Theo cây viết có tiếng trong làng báo bóng đá, sự tham gia của gia đình, nhà trường trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng không hiệu quả vì khoảng cách thế hệ rất lớn. Các bậc phụ huynh trưởng thành trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tôn vinh bằng cấp và không hiểu thế giới mới vận hành như thế nào để có sự định hướng đúng đắn cho con. "Xã hội mới có tốc độ phát triển nhanh mà thế hệ đi trước không theo kịp được. Vì thế, bức thiết mỗi học sinh, sinh viên cần tìm ra cái tôi của mình. Ngẫm lại mỗi ngày xem điều gì mình quan tâm nhất, hứng thú tìm hiểu, đam mê nhất. Khi đã nhận ra thiên hướng của bản thân, hãy gạt bỏ định xã hội để theo đuổi hết mình", Đức Hoàng chia sẻ.
Quỳnh Trang