Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Thành công vì quyết theo đuổi đam mê nghề nghiệp

Như nhiều học sinh khác, anh Đức Hoàng ít khi suy nghĩ xem mình thích gì mà bị ám ảnh bởi vấn đề đầu ra khi chọn trường đại học... Sau 3 năm học Kiến trúc, anh quyết từ bỏ để theo đuổi đam mê và hiện đã là một thương hiệu lớn trong làng báo bóng đá.

Chia sẻ với VnExpress, anh Đức Hoàng (27 tuổi) hóm hỉnh nói: "Đến nay tôi vẫn tạm gác việc học ở trường Kiến trúc".
Anh kể, khi chọn trường ĐH, như nhiều học sinh khác, anh bị ám ảnh bởi vấn đề đầu ra, việc làm, triển vọng nghề nghiệp. Là con cháu trong gia đình có nhiều kiến trúc sư nổi tiếng ở Hải Phòng, Hoàng chọn ngành Kiến trúc để nối nghiệp gia đình và vì lý do đơn giản - không có môn Hoá mà anh ghét.
Tự hào bước vào ngôi trường rất "kén" sinh viên, nhưng ngay từ học kỳ đầu tiên, Đức Hoàng nhận ra mình không thực sự yêu môn vẽ. Những bản vẽ, môn mỹ thuật của ĐH Kiến trúc đòi hỏi sự tỉ mỉ rất lớn trong khi anh sẵn tính cẩu thả. "Tôi thường xuyên bị bêu tên là sinh viên cá biệt trong lớp, đặc biệt ở các môn đòi hỏi sự khéo léo như thể hiện sản phẩm của mình bằng hình vẽ hoặc mô hình. Ngay học kỳ đầu tôi đã sợ mình không thể qua được bất cứ môn học nào và thấy bản thân không đủ đam mê để theo đuổi ngành Kiến trúc", Đức Hoàng chia sẻ.
Kết quả học tập của anh cứ thế tụt dần, từ học lực trung bình năm thứ nhất đến nợ mấy chục trình năm thứ hai và đỉnh điểm là nợ 52 trình trong năm thứ ba ĐH.
Duc-Hoang-bao-bong-da-JPG-2385-141516271
Trước khi trở thành cây viết có tiếng trong làng báo bóng đá, Đức Hoàng đã tạm gác việc học ĐH Kiến trúc. Trong ảnh, Đức Hoàng đang có mặt tại sân Narodowy (Ba Lan) để đưa tin trận khai mạc EURO 2012. Ảnh: Bongdaplus.
Để xả stress, Đức Hoàng tìm đến sách truyện, tiểu thuyết và dần nhận ra mình yêu thích thứ ngôn từ này. Học kỳ 2 năm nhất ĐH, anh đi làm sản xuất nội dung cho một công ty truyền thông, sau đó bắt đầu viết báo. "Tôi nhận ra viết báo mới là công việc chính mà mình nên đầu tư, phát triển. Nếu cứ theo ĐH Kiến trúc, ra trường tôi sẽ thành một kỹ sư tồi với những bản vẽ mà giảng viên thương lắm mới cho điểm 5", Đức Hoàng nói.
Quyết định "gác" việc học kiến trúc và chuyển hướng sang báo chí để theo đuổi đam mê của Đức Hoàng bị gia đình phản đối kịch liệt. Tất cả mọi người đều cố gắng thuyết phục anh rằng, bằng ĐH là điều kiện tiên quyết để mưu sinh và truyền thông là ngành không có triển vọng phát triển.
"Có những giai đoạn cực kỳ căng thẳng khiến tôi không thể đối thoại được với gia đình. Mẹ tôi (người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi) đã khóc rất nhiều, mẹ thậm chí đã chạy rất nhiều nơi để đưa tôi trở lại trường. Tâm lý hai bên khi đó vô cùng quẫn bách. Tôi từng nghĩ mình phải làm điều gì đó thật quyết liệt, như một số thanh niên trên tivi chặt ngón tay, để thể hiện quyết tâm", anh nhớ lại.
Thời gian đầu anh song song vừa học Kiến trúc, vừa làm việc mình yêu thích. Nhưng sau thời gian dài cố gắng trong mệt mỏi, Hoàng rơi vào trạng thái sợ hãi khi đi tới trường, nhớ đến cảm xúc tiêu cực, sự lạnh lùng, nghiêm khắc của thầy cô, anh không thể thỏa hiệp được với gia đình nữa.
"Tạm" rời giảng đường, chỉ tập trung cho đam mê, Đức Hoàng nhanh chóng gặt hái thành công ở lĩnh vực báo chí. Hơn một năm sau anh đã thành thương hiệu trong làng viết Thể thao, với mức thu nhập trên mặt bằng chung của xã hội. Đỉnh điểm vào mùa hè năm 2008 thu nhập của anh là 30 triệu đồng/tháng.
Trước những thành công của con trai, bố mẹ Đức Hoàng tỏ ra khá lạnh nhạt và nghĩ là không bền vững. "Tôi đã rất ức chế khi chứng minh được mình với xã hội nhưng với gia đình câu chuyện vẫn là tấm bằng, ngành học danh giá chứ không phải thực tiễn mình đạt được", Hoàng kể.
Đến bây giờ, sau gần 10 năm theo đuổi đam mê, gia đình không thể phủ nhận thành tích - cây viết có tiếng trong làng báo bóng đá mà Đức Hoàng đạt được. Bản thân anh giờ đã có gia đình riêng, nhưng cũng chưa một lần hối hận hay bị ám ảnh không nuôi nổi vợ con vì bằng vẫn bị "treo".
dinh-huong-nghe-nghiep-huy-cuo-6060-7452
Nguyễn Huy Cường từ bỏ ngành Công nghệ thông tin sau một năm học ĐH để trở thành sinh viên Thiết kế đồ hoạ theo đam mê của mình. Ảnh: NVCC.
Khác với Đức Hoàng, Nguyễn Huy Cường (25 tuổi) tìm ra lĩnh vực mình yêu thích - thiết kế đồ họa từ khá sớm, nhưng cũng bị ám ảnh đầu ra. Cường chọn Công nghệ thông tin của ĐH Mở TP HCM để thi vào. Môi trường chỉ có đúng và sai, đen và trắng, với những con số, bảng lập trình, sự logic khô khan làm anh chán chường. Nhìn lại một năm ĐH buồn tẻ, Cường nhận ra chỉ có đam mê mới khiến ta làm tốt được bất cứ việc gì. Anh từ bỏ ngành học Công nghệ và chuyển sang học Thiết kế đồ họa.
Thời gian học ngành mình yêu thích, Huy Cường đạt được nhiều giải thưởng. Đáng kể nhất là giải nhất Young Lions Vietnam 2011 - cuộc thi Thiết kế đồ họa danh tiếng dành cho các nhà thiết kế trẻ. Năm đó, Cường và người bạn đồng hành trở thành đại diện của Việt Nam tham gia giải Cannes Lions. Tại đây, đội của anh đứng thứ 5/40 quốc gia tham dự, xếp hạng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, trên cả những đội mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tuy vẫn là sinh viên nhưng những nỗ lực và thành tích đạt được trong 4 năm làm Thiết kế đồ họa đã giúp Cường được đề bạt làm Giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông lớn.
Ngẫm lại việc mình và nhiều bạn trẻ khác đã chọn nghề sai, cả Huy Cường và Đức Hoàng đều cho rằng, vì mình thiếu sự định hướng và chín chắn trong quyết định. Theo Hoàng, đáng lý trường học phải là nơi giúp học sinh có hiểu biết toàn diện về xã hội, bản thân, thì từ cấp 1 đến cấp 3 học sinh bị biến thành cỗ máy học để thi. "Trong suốt hệ thống phổ thông, đã có lúc nào chương trình nói tới cái tôi của học sinh? Trường cấp 3 không cho ta có cái nhìn toàn cảnh về xã hội, đặc biệt không cho người học xác lập được cái tôi của bản thân. Việc tìm ra mình thích gì, phù với với ngành nào vốn đã rất khó, đằng này học sinh của ta sau 12 năm ngồi ghế nhà trường vẫn không biết mình là ai thì hướng nghiệp thế nào? Mọi lựa chọn của các em đều mù mờ, dựa trên hoàn cảnh gia đình, học lực của bản thân và xét đoán vu vơ của các cô cậu mười mấy tuổi đầu", Đức Hoàng nói.
Theo cây viết có tiếng trong làng báo bóng đá, sự tham gia của gia đình, nhà trường trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng không hiệu quả vì khoảng cách thế hệ rất lớn. Các bậc phụ huynh trưởng thành trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tôn vinh bằng cấp và không hiểu thế giới mới vận hành như thế nào để có sự định hướng đúng đắn cho con. "Xã hội mới có tốc độ phát triển nhanh mà thế hệ đi trước không theo kịp được. Vì thế, bức thiết mỗi học sinh, sinh viên cần tìm ra cái tôi của mình. Ngẫm lại mỗi ngày xem điều gì mình quan tâm nhất, hứng thú tìm hiểu, đam mê nhất. Khi đã nhận ra thiên hướng của bản thân, hãy gạt bỏ định xã hội để theo đuổi hết mình", Đức Hoàng chia sẻ.
Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét